Chế biến củ dền cho bé khi đến tuổi ăn dặm luôn được các mẹ bỉm ưu tiên bởi dưỡng chất trong củ dền rất tốt cho trẻ nhỏ. Tuy nhiên nếu không chế biến đúng cách thì loại củ này có thể gây nguy hiểm cho trẻ.
Vậy câu hỏi đặt ra là trẻ mấy tháng thì được ăn củ dền? Cần lưu ý gì khi mẹ cho bé ăn củ dền? Hãy cùng nhau tìm hiểu trong bài viết này nhé!
Nội dung
Thành phần dinh dưỡng trong củ dền
Trong củ dền có nhiều vitamin và chất khoáng với hàm lượng dinh dưỡng cao. Trong 100 gram củ dền cung cấp cho cơ thể 43 kcal và một số chất khác như: Vitamin A, C, K, B1, B3 và E, đường, natri, kali, canxi, tinh bột,… trong củ dền không chứa acid oxalic, do vậy dù có lượng canxi và sắt cao nhưng khi đi vào cơ thể bé vẫn được hấp thụ hiệu quả.
Đối với phần lá có chứa rất nhiều protid, lipid, glucid, nhiều vitamin, sắt và chất khoáng… Các chất này có tác dụng rất tốt cho sự phát triển của trẻ. Theo nhiều nghiên cứu đã cho thấy, hàm lượng chất beta – caroten có trong củ dền cao gấp hai lần so với các loại cà, từ đó giúp nâng cao sức miễn dịch của trẻ. Với cùng một khối lượng khi đem so sánh rau củ dền với cải bó xôi, người ta thấy được rằng lượng sắt và canxi có trong rau củ dền cao hơn hẳn. Ngoài ra cho bé ăn một lượng nhỏ củ dền còn rất tốt cho hệ tiêu hóa, giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh như táo bón, tiêu chảy, đầy hơi…
Trẻ mấy tháng thì ăn được củ dền
Các bác sĩ nhi khoa khuyến cáo bạn nên cho bé ăn củ dền khi bé được khoảng từ 8 đến 10 tháng tuổi và tuyệt đối không cho bé ăn khi bé chưa được 6 tháng tuổi. Để đảm bảo an toàn, trước khi cho bé ăn, bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ để hiểu rõ thêm về lợi ích cũng như khẩu phần ăn phù hợp với bé.
Ở những bữa ăn đầu tiên, bạn chỉ nên cho bé ăn khoảng 1 đến 2 muỗng cà phê củ dền nghiền nhuyễn vì loại củ này chứa khá nhiều nitrat, có thể khiến bé khó tiêu hóa. Đặc biệt, bạn cũng không nên cho bé ăn quá thường xuyên vì cơ thể bé vẫn chưa chuyển hóa được một lượng nitrate lớn. Do đó, lượng nitrate dư thừa sẽ tích tụ trong máu, dẫn đến khó thở, tím tái, suy hô hấp.
Khi cho trẻ ăn củ dền, nấu chín củ dền hoặc hấp cho đến khi mềm là một cách tốt để đảm bảo rằng trẻ dễ dàng tiêu hóa và nuốt chúng. Tránh sử dụng các loại gia vị, muối hoặc đường cho trẻ nhỏ. Khi bắt đầu đưa thực phẩm mới cho trẻ, hãy đảm bảo theo dõi cơ hội dị ứng hay phản ứng không mong muốn từ phía trẻ. Đưa một loại thực phẩm mới mỗi lần và theo dõi trong vài ngày xem có bất kỳ dấu hiệu nào của dị ứng và dừng việc cho trẻ ăn củ dền khi phát hiện bất kỳ triệu chứng dị ứng nào.
Các mẹ cũng cần kiên nhẫn và linh hoạt. Trẻ có thể không thích một loại thực phẩm ban đầu, và điều này hoàn toàn bình thường. Hãy kiên nhẫn và thử đưa thực phẩm đó lại sau một thời gian. Đồng thời, hãy linh hoạt trong việc thay đổi thực đơn và cách chế biến để đảm bảo trẻ có trải nghiệm ăn uống đa dạng.
Tác dụng của củ dền với sức khỏe của bé
Giàu vitamin và khoáng chất
Củ dền chứa rất nhiều khoáng chất có lợi cho sức khỏe của bé như sắt, canxi, ma-giê, kali, đồng thời cung cấp vitamin A, các vitamin nhóm B, vitamin C, E, K. Những dưỡng chất này có tác dụng bảo vệ bé khỏi nguy cơ mắc phải một số bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ như tiêu chảy, quáng gà, còi xương, thiếu máu và làm giảm nguy cơ nhiễm trùng.
Giảm nguy cơ thiếu máu
Trẻ em trên 6 tháng tuổi rất dễ gặp tình trạng thiếu máu do thiếu sắt, nguyên nhân là vì lượng sắt dự trữ của trẻ từ lúc còn trong bụng mẹ đang giảm dần. Tuy nhiên, trong củ dền có một lượng sắt rất lớn giúp hạn chế bệnh thiếu máu thiếu sắt. Ngoài ra sắt còn có tác dụng thúc đẩy cơ thể sản xuất hồng cầu, tăng lượng oxy đến các cơ quan tổ chức giúp phát triển não bộ.
Hỗ trợ tiêu hóa và tăng cường đề kháng
Hàm lượng dinh dưỡng cao chính là lý do giúp bé tăng sức đề kháng, chống lại các bệnh từ môi trường xung quanh. Củ dền còn mang đến một lượng chất xơ rất phong phú, giúp hệ tiêu hóa làm việc hiệu quả, ngăn ngừa vấn đề táo bón thường gặp ở trẻ sơ sinh.
Các món chế biến từ củ dền bé có thể ăn được
Bột củ dền cho bé ăn dặm
Đây có lẽ là món khá phổ biến đối với các bà mẹ bỉm sữa. Cách làm bột củ dền khá đơn giản, bạn chỉ cần chuẩn bị: 2 củ dền, 1 củ cà rốt, 2 củ khoai tây và nước.
Quy trình thực hiện:
Rửa sạch các củ với nước, sau đó thái lát mỏng. Cho tất cả các loại củ đã chuẩn bị vào nồi, luộc đến khi rau nhừ, vớt rau ra ngoài đợi nguội rồi đem xay nhuyễn. Tiếp theo là đem cho bé thưởng thức.
Cháo củ dền kết hợp với tôm tươi
Chuẩn bị:
1 muỗng bột gạo mịn
Nửa củ dền
2 con tôm
1 chén nước
Quy trình thực hiện:
Củ dền cần được rửa sạch để ráo nước, rồi đem xay lấy nước. Đối với tôm cũng vậy, ta chỉ lấy nước của tôm. Sau đó bạn cho nước, bột vào nồi và các thành phần đã được sơ chế trước đó khuấy đều cho bột tan ra đến khi sệt lại. Lưu ý cần nấu với lửa nhỏ, nêm gia vị cho vừa ăn.
Vì trẻ còn nhỏ nên với mỗi món các mẹ cần lưu ý chế biến vừa phải. Nếu bé cưng nhà bạn chưa được 1 tuổi, mỗi lần bạn chỉ nên cho bé ăn từ 1 – 2 muỗng cà phê củ dền nghiền nhuyễn. Khi bé lớn hơn một chút, bạn có thể cho bé ăn nhiều hơn. Hương vị của củ dền có thể khiến bé không thích và bạn sẽ mất một khoảng thời gian khá dài để giúp bé làm quen với hương vị của loại củ này.
Bên cạnh đó, lúc bạn cho bé ăn lần đầu, bạn không nên cho bé ăn củ dền với những loại rau củ mà bé chưa ăn lần nào. Sau khi cho bé ăn, bạn hãy quan sát trong 4 ngày xem bé có bất cứ phản ứng dị ứng nào không. Nếu thấy bé có các triệu chứng bất thường, bạn nên đưa bé đi khám ngay nhé.
Hy vọng rằng thông qua bài viết này, các mẹ đã có thêm kiến thức về chế biến món ăn dặm từ củ dền cho bé, đồng thời cũng phần nào giải đáp được thắc mắc trẻ mấy tháng thì ăn được củ dền và những lưu ý khi sử dụng loại củ này cho con. Với những bé lười ăn, nhạy cảm các mẹ hãy kiên nhẫn và tập cho con thích nghi với vị của củ dền. Chúc các mẹ bỉm áp dụng thành công!